Danh vị Thái phi Phi_(hậu_cung)

Trung Quốc

Xem thêm thông tin: Thái phi

Danh vị Thái phi (太妃) sớm nhất là vào thời Đông Hán[5]. Khi ấy, triều đình Tào Ngụy muốn định lại danh hiệu cho mẹ các Hoàng tử, vốn là [Vương quốc Thái hậu; 王國太后], để tránh đụng chạm đến tước vị Hoàng thái hậu - danh vị thường dành mẹ của Hoàng đế. Cuối cùng xuất hiện danh vị [Vương quốc Thái phi; 王國太妃][6][7][8].

Sang thời Đông Tấn, có Chu Quý nhân là phi tần của Tấn Thành Đế Tư Mã Diễn và là sinh mẫu của Tấn Ai Đế Tư Mã Phi, việc định danh hiệu thế nào cho bà đã có tranh nghị xảy ra, do chỉ là phi tần của Tiên đế, nhưng bà là sinh mẫu của Hoàng đế. Khi ấy, Hoàng hậu của Tấn Thành Đế là Chử Toán Tử vẫn còn sống, đã được dâng tôn làm Hoàng thái hậu, Thái úy Hoàn Ôn đề nghị tôn là làm Phu nhân, còn Thượng thư bộc xạ Giang Bân xin lập bà làm Thái phu nhân. Cuối cùng, Tấn Ai Đế thấy sinh mẫu xứng đáng vinh quang, nên lấy thành tố "Hoàng thái" như của Chử Thái hậu nhưng giáng xuống thành "Phi" để hợp lễ chế, từ đó lịch sử có danh hiệu [Hoàng thái phi; 皇太妃], dùng cho sinh mẫu của các Hoàng đế vốn là phi tần.

Sang thời nhà Đường, không có trường hợp nào sinh mẫu của Hoàng đế là "Thái phi", mà chỉ có sinh mẫu của các Thân vương, như Dương Quý phi của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sinh mẫu của Triệu vương Lý Phúc, nên tôn gọi là [Triệu quốc Thái phi; 趙國太妃]. Đến thời nhà Tống, lễ giáo rất nghiêm, các phi tần của Hoàng đế sau khi qua đời, dù là sinh con trai hay không, vẫn gọi theo tước vị vốn có, như Chiêu nghi thì vẫn là Chiêu nghi, Quý phi thì vẫn là Quý phi,... mà không tự động gọi chung thành "Thái phi" như nhiều hiểu lầm. Tuy vậy, thông thường thì các Hoàng đế kế nhiệm cũng thăng các di mẫu lên (xét trong hệ thống hậu cung nhà Tống), biểu thị ân đức. Danh hiệu ["Thái phi"] dưới thời Tống cực cao quý, vốn chỉ dành cho sinh mẫu của các Hoàng đế chỉ là phi tần trong trường hợp Hoàng hậu của Tiên Đế còn sống và đã được tôn làm Hoàng thái hậu, nếu có tôn làm Hậu thì phải đợi Hoàng thái hậu qua đời rồi mới truy tôn. Sinh mẫu của Tống Triết Tông Triệu Hú là Thánh Thụy Hoàng thái phi Chu thị, do khi ấy Hướng hoàng hậu đã là Hoàng thái hậu. Lại có như mẹ của Tống Huy TôngTrần Quý nghi, khi Huy Tông lên ngôi, do Hướng Thái hậu vẫn còn sống mà chỉ truy tôn làm Hoàng thái phi, sau khi Hướng Thái hậu qua đời thì Huy Tông mới có thể tôn Trần thị làm Hoàng thái hậu. Mẹ của Tống Cao TôngVi Hiền phi, do hoàn cảnh đặc biệt đã có thể tấn tôn làm Hoàng thái hậu.

Từ thời nhà Minh đến thời nhà Thanh, sinh mẫu của Hoàng đế là phi tần của Tiên Hoàng đế đã có thể đồng tôn cùng làm Hoàng thái hậu, nhưng đều có quy chế để phân biệt. Bên cạnh đó, triều Minh và triều Thanh có thể sẽ tôn các phi tần có tước vị cao làm "Thái phi" nếu trường hợp không có Hoàng thái hậu hoặc đức cao vọng trọng. Lưu Chiêu phi qua hai triều Minh Hi Tông cùng Minh Tư Tông đều được gọi làm ["Thái phi"], giữ ấn tỉ Thái hậu; triều Thanh có Khác Huệ Hoàng quý phi Đông thị và Đôn Di Hoàng quý phi Qua Nhĩ Giai thị, đều là lão trưởng bối thời Càn Long nên Hoàng đế đặc biệt tôn làm Thái phi (xem chi tiết quy tắc ở Hậu cung nhà Thanh). Cũng là vì lệ của triều Thanh, danh xưng "Thái phi" thường bị hiểu chung là [Nhóm phi tần góa phụ của Tiên Đế], trong khi thực tế thì danh xưng này có lịch sử khá phức tạp.

Quốc gia đồng văn

Việt Nam, tuy không có ghi chép nhiều về danh vị Thái phi trong lịch sử, nhưng cho thấy rõ quy tắc ở triều đình Việt Nam đều phỏng theo nhà Tống.

Thời nhà Lý, Linh Nhân Hoàng thái hậu vốn chỉ là Hoàng thái phi, sau khi Thượng Dương Hoàng thái hậu mất thì mới được tôn làm Hoàng thái hậu. Sang thời nhà Trần, có Chiêu Từ Hoàng hậu, sinh mẫu của Trần Minh Tông, khi sinh thời là Hoàng thái phi, sau khi qua đời mới truy tôn làm Hoàng thái hậu. Khi chúa Trịnh có quyền thế, được nhận tước Vương, mẹ của các Trịnh vương đều được tôn Thái phi, còn bà nội hay Vương phi đời trước nữa, được dâng tôn tước vị rất mới là [Thái tông thái phi; 太宗太妃].

Thời nhà Nguyễn, sinh mẫu của Hiệp Hòa là Thụy tần Trương Thị Thận được kiến nghị tôn phong Hoàng thái phi, do Hiệp Hòa là con út của Thiệu Trị mà chính thất của ông là Nghi Thiên Chương Hoàng hậu vẫn còn sống và đang là Hoàng thái hậu. Hay như Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu, sinh mẫu của Khải Định, ban đầu cũng được tôn làm Hoàng thái phi, về sau mới tôn làm Hoàng thái hậu.

Các quốc gia Triều Tiên, Nhật Bản đều ghi chép rất mơ hồ cách dùng tước vị này. Trong khi Triều Tiên dùng tước hiệu Vương đại phi cho Vương phi tiền nhiệm, thì Nhật Bản trước thời Thiên hoàng Daigo đều rất hiếm khi tôn mẹ đẻ làm Hoàng thái hậu mà không phải Hoàng hậu trước đó. Từ khi chính Thiên hoàng Daigo tôn dưỡng mẫu Fujiwara no Onshi làm Trung Cung chức, các đời Thiên hoàng về sau đã có thể thoải mái tôn mẹ đẻ làm Hoàng thái hậu.